Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

Tham luận về tư tưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực KHCN



MỘT SỐ KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU TRONG VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG
HỒ CHÍ MINH VỀ KHOA HỌC, KỸ THUẬT, CÔNG NGHỆ
ĐỂ THÚC ĐẨY VIỆC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ
GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO 

TS Nguyễn Văn Huấn, Phó Giám đốc Sở GDĐT Bến Tre

I. Khái quát về Tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học, kỹ thuật, công nghệ
1. Tại Đại hội lần thứ nhất của Hội nghị phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam (18/5/1963), trong bài phát biểu của mình, Bác Hồ có nhấn mạnh:
“Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp. Phong tục tập quán lạc hậu còn nhiều.
Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải biến những cái đó. Khoa học là tổng kết những kinh nghiệm đấu tranh giữa giai cấp bị bóc lột và giai cấp bóc lột và đấu tranh giữa con người với thiên nhiên…
Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi. Như vậy, nhiệm vụ của khoa học, kỹ thuật là cực kỳ quan trọng, cho nên mọi ngành, mọi người đều phải tham gia công tác khoa học, kỹ thuật, để nâng cao năng suất lao động, sản xuất ra nhiều của cải vật chất, để xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi”…
2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học, kỹ thuật, công nghệ có nhiều luận điểm. Một trong những luận điểm quan trọng của Tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học, kỹ thuật, công nghệ là đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và trọng dụng nhân tài.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Bác đòi hỏi phải có chiến lược trồng người. Người khẳng định “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn chú ý đến việc trọng dụng nhân tài qua việc tập hợp đội ngũ  trí thức, tạo điều kiện tối đa cho trí thức phát huy tài năng, hiểu biết của mình phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Nhiều trí thức tên tuổi như: Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Tạ Quang Bửu, Hồ Đắc Di, Nguyễn Văn Tố, … đã tham gia cách mạng, sẵn sàng chịu nhiều hi sinh, gian khổ, lập nên những kỳ tích về khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong kháng chiến.
3. Trong lĩnh vực giáo dục, tự học và học suốt đời, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ là một luận điểm quan trọng trong Tư tưởng Hồ Chí Minh và chính Người là tấm gương sáng ngời về tinh thần suốt đời bền bỉ và khiêm tốn học hỏi. Người căn dặn: “Phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học, phải học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học hỏi ở nhân dân”, “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời”.
Nhắc nhở, căn dặn học sinh học tập, Người nói: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.
II. Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học, kỹ thuật, công nghệ, thúc đẩy việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo tại tỉnh Bến Tre
  Trong các năm qua, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Bến Tre đã luôn tích cực triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị 06-CT/TW ngày 07 tháng 11 năm 2006 và Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14 tháng 5 năm 2011 của Bộ Chính trị; trong đó, ngành giáo dục và đào tạo cũng tích cực vận dụng thực hiện Tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học, kỹ thuật, công nghệ, học tập suốt đời vào các hoạt động giáo dục và đào tạo. Có thể nêu lên một số hoạt động cụ thể như sau:
1. Triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua đặc thù cùa ngành là thực hiện Cuộc vận động “Hai không”, Cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, thực hiện Quy định về đạo đức nhà giáo. Qua thực hiện, đại đa số đảng viên, cán bộ, giáo viên trong ngành thể hiện tốt vai trò gương mẫu trong thái độ lao động, lề lối làm việc nghiêm túc, khoa học, bảo đảm được hiệu quả khá tích cực. Thực hiện tự phê bình và phê bình trong đảng viên, cán bộ, giáo viên cũng được cải thiện rõ rệt, mối quan hệ giữa đảng viên và quần chúng trong cơ quan, trường học ngày càng tốt hơn, góp phần thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị, của ngành.
2. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, viết sáng kiến kinh nghiệm về đổi mới quản lý giáo dục, đổi mới phương pháp dạy - học trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên:
- Trong ngành duy trì thực hiện phong trào “Mỗi giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện một đổi mới trong phương pháp dạy học và quản lý. Mỗi trường có một kế hoạch cụ thể về đổi mới phương pháp dạy học”.
- Các cấp quản lý từ Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo đến cấp trường, tổ chuyên môn thường xuyên tổ chức hội thảo, sinh hoạt khoa học theo các chủ đề phục vụ cho đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá,…
- Sở và các Phòng Giáo dục và Đào tạo đều đã xây dựng website của ngành và nhiều trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học đã có website riêng; đặc biệt khai thác có hiệu quả các phần mềm quản lý hệ thống thông tin giáo dục VNPT School và các phần mềm quản lý khác (sắp xếp thời khoá biểu, quản lý thư viện trường học, quản lý hoạt động giảng dạy của giáo viên,...).
- Số lượng giáo viên có khả năng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong dạy học ngày càng tăng. Công tác nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, sáng kiến cải tiến trong đội ngũ cán bộ, giáo viên luôn được chú trọng. Các đề tài nghiên cứu phần lớn đều phát sinh từ những tình huống, mâu thuẫn từ thực tiễn và kết quả nghiên cứu đều phục vụ được yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục ở cơ sở, địa phương.
Trong năm học 2010-2011, có 392 sáng kiến kinh nghiệm được Hội đồng Khoa học ngành đánh giá, công nhận, trong đó có 05 sáng kiến được xếp loại A, 132 sáng kiến xếp loại B; có 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh nghiệm thu, xếp loại Khá và 01 đề tài đang triển khai thực hiện (kế hoạch nghiệm thu vào cuối năm 2012).
Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ III năm 2008-2010, ngành giáo dục và đào tạo có 64 giải pháp tham gia dự thi (tổng số gỉai pháp dự thi của cả tỉnh là 93); trong đó 08 giải pháp được Ban tổ chức khen thưởng…
3. Tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học trong học sinh:
- Hằng năm, các trường có tổ chức các hoạt động khoa học dành cho học sinh như: Hội thi thí nghiệm - thực hành, Hội thi tự làm đồ dùng học tập… Các cuộc thi Giải toán trên máy tính cầm tay, Giải toán trên Internet, Olympic Tiếng Anh trên Internet (do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức) có số học sinh tham dự ngày càng đông và đạt kết quả khá tốt (đứng vị trí cao trong các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long). Trong nhiều năm qua, số lượng học sinh giỏi cấp quốc gia của tỉnh Bến Tre luôn dẫn đầu các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long. Trường THPT chuyên Bến Tre luôn đứng ở vị trí nhất, nhì trong các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long về kết quả thi học sinh giỏi quốc gia và tuyển sinh vào Đại học.
- Năm học 2011-2012, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật (Intel ISEF) của học sinh trung học. Tổng số có 59 giải pháp dự thi; đang chờ kết quả đánh giá của Hội đồng giám khảo.
4.  Học tập tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc tự học, nâng cao trình độ, học suốt đời và hưởng ứng Cuộc vận động của ngành GDĐT “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo”, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của tỉnh ngày càng được củng cố, kiện toàn theo yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và nâng cao năng lực, trình độ đào tạo.
Đến năm học 2010-2011, cán bộ quản lý cấp mầm non có trình độ đạt chuẩn chiếm tỷ lệ 100%, trong đó có trình độ trên chuẩn chiếm tỷ lệ 82,14%. Cán bộ quản lý cấp tiểu học có trình độ đạt chuẩn chiếm tỷ lệ 100%, trong đó có trình độ trên chuẩn chiếm tỷ lệ 90,95%. Cán bộ quản lý cấp THCS có trình độ đạt chuẩn chiếm tỷ lệ 100%, trong đó có trình độ trên chuẩn chiếm tỷ lệ 89,93%. Cán bộ quản lý cấp THPT có trình độ đạt chuẩn chiếm tỷ lệ 100%, trong đó trình độ trên chuẩn chiếm tỷ lệ 10,34%.
Đến năm học 2010-2011, giáo viên mầm non có trình độ đạt chuẩn chiếm tỷ lệ 99,36%, trong đó có trình độ trên chuẩn chiếm tỷ lệ 38,73%. Giáo viên tiểu học có trình độ đạt chuẩn chiếm tỷ lệ 99,93%, trong đó có trình độ trên chuẩn đạt tỷ lệ 65,37%. Giáo viên THCS có trình độ đạt chuẩn chiếm tỷ lệ 99,96%, trong đó có trình độ trên chuẩn chiếm tỷ lệ 56,95%. Giáo viên THPT và trung tâm GDTX có trình độ đạt chuẩn chiếm tỷ lệ 99,56%, trong đó có trình độ trên chuẩn chiếm tỷ lệ 11,38%.
Trong 5 năm (2005-2010), có 1.007 lượt giáo viên được công nhận Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh (tăng 564 lượt giáo viên) và 29 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Tỉ lệ đảng viên trong toàn ngành đạt 44,94%, trong đó tỉ lệ đảng viên trong giáo viên đạt 42,29%.
Qua việc tổ chức triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nói chung và vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học, kỹ thuật, công nghệ nói riêng, đã giúp cho đội ngũ cán bộ quản lý, viên chức của ngành tìm ra các giải pháp tích cực trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, giải quyết tốt những phát sinh trong thực tiễn, tạo tác động quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo.
III. Một số vấn đề cần đặt ra trong thời gian tới
Để việc vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học, kỹ thuật, công nghệ ngày càng phát huy tốt hơn trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, với góc độ quản lý cấp ngành cần phải tiếp tục nghiên cứu sâu các vấn đề sau:
1. Tiếp tục quán triệt, tạo được sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn ngành, trong mỗi đơn vị về ý nghĩa, tầm quan trọng, tác dụng to lớn, nhiều mặt của việc học tập và làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
2. Cần xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh một cách khoa học, thiết thực, sát hợp với tình hình, nhiệm vụ của đơn vị, gắn kết một cách linh hoạt với việc thực hiện các cuộc vận động của ngành.
3. Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm trong đội ngũ cán bộ, viên chức để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong hoạt động dạy học và giáo dục, phù hợp với xu thế chuẩn hóa, hiện đại hóa và quốc tế hóa trong giáo dục.
4. Có cơ chế kiểm tra, đôn đốc quá trình thực hiện; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; biểu dương khen thưởng, tuyên truyền nhân rộng các điển hình tiên tiến trong việc học tập và làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét