Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

Tham luận về giải pháp nâng cao chất lượng học tập nghị quyết của Đảng



MỘT SỐ GIẢI PHÁP
NÂNG CAO Ý THỨC TRÁCH NHIỆM CỦA NHÀ GIÁO
TRONG VIỆC HỌC TẬP CÁC CHỈ THỊ, NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẢNG
TS Nguyễn Văn Huấn
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre
Đối với nhà giáo, việc nghiên cứu, quán triệt đầy đủ, sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng vừa là nhiệm vụ chính trị vừa là điều kiện đảm bảo cho nâng cao phẩm chất chính trị và năng lực của cá nhân, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Học tập, nâng cao nhận thức về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước là một trong những yêu cầu, quy định nhà giáo phải thực hiện. Khoản 4, Điều 72 Luật Giáo dục năm 2025 quy định nhà giáo phải “Không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, nêu gương tốt cho người học”[1].
Vì thế, trong những năm qua, khi được các cấp uỷ Đảng (Huyện uỷ, thành uỷ…)  thông báo học tập Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, các nhà trường trong tỉnh đều sắp xếp cho cán bộ, giáo viên (CBGV) tham gia học tập, sau đó sẽ bố trí dạy bù cho kịp chương trình.
Thực tế cho thấy, hầu hết CBGV đều nghiêm túc trong học tập, tham dự đầy đủ các buổi học, tiếp thu đầy đủ các nội dung, các quan điểm về chủ trương, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, nâng cao phẩm chất chính trị, thể hiện qua các bài thu hoạch; qua lời nói và hành động đúng quan điểm, chủ trương của Đảng.
Tuy nhiên, cũng còn một ít giáo viên còn có những biểu hiện thiếu nghiêm túc trong học tập: người học còn nói chuyện riêng hoặc bỏ ra ngoài, còn vắng buổi học, sao chép bài thu hoạch lẫn nhau hoặc tiếp thu nội dung học tập không đầy đủ...
Điều này nguyên nhân một phần do một số giáo viên thiếu gương mẫu trong học tập, không được nhà trường kịp thời nhắc nhỡ, uốn nắn một cách thường xuyên; một phần do việc tổ chức lớp (sĩ số đông gồm nhiều đơn vị; học viên thiếu tài liệu; âm thanh nghe không rõ, bố trí chỗ ngồi chưa hợp lý hoặc thiếu chỗ ngồi); một phần do báo cáo viên khi trình bày đã biến vấn đề thời sự trở nên nhạt nhẽo kém thu hút người học, gây nhàm chán.
Do đó để nâng cao ý thức trách nhiệm của giáo viên trong việc học tập chủ trương, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chúng tôi đề xuất một số giải pháp như sau:
1.Đối với nhà trường (đơn vị quản lý giáo viên)
Thứ nhất, thường xuyên giáo dục, nâng cao nhận thức cho CBGV về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học tập Nghị quyết, chủ trương của Đảng thông qua các buổi họp hội đồng sư phạm nhà trường, các buổi sinh hoạt chi bộ, Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí  Minh định kỳ thật sự tạo ra nhu cầu học tập chính trị trong đội ngũ CBGV.
Thứ hai, quản lý chặt chẽ việc học tập của giáo viên đơn vị mình:
-Phân công người theo dõi lớp học: nắm sĩ số, tình hình học tập, sự tiếp thu, viết thu hoạch của giáo viên.
 -Tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên việc nghiên cứu, học tập Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và việc triển khai vận dụng ở từng cá nhân. Đồng chí Bí thư Đảng bộ, Chi bộ nhà trường trực tiếp dự, chỉ đạo, hoặc phân công các cấp ủy viên trực tiếp dự, kiểm tra, đôn đốc việc học tập, quán triệt Nghị quyết tại đơn vị mình. Đảng ủy cơ sở có kế hoạch kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện Nghị quyết của Đảng của các cá nhân và tập thể theo định kỳ.
Thứ ba, đưa nội dung học tập Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng vào tiêu chí thi đua “Hai tốt”; tiêu chí đánh giá, nhận xét giáo viên vào cuối năm học; tiêu chí đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên.
Thứ tư, nêu gương CBGV học tập tốt trước Hội đồng nhà trường, trước học sinh sau mỗi đợt học tập Nghị quyết; đồng thời phê bình, nhắc nhỡ kịp thời những CBGV còn lơ là, hoặc có những hành vi, thái độ không đúng trong lúc học tập. Đối với những nhà giáo thường xuyên có thái độ học tập không nghiêm túc, lãnh đạo nhà trường, Ban chấp hành Công đoàn cần tổ chức gặp gỡ trao đổi để động viên, nhắc nhỡ, uốn nắn thêm.
2.Đối với đơn vị tổ chức lớp học
Thứ nhất, do mỗi cơ quan, đoàn thể có đặc thù là lãnh đạo  thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đoàn thể mang tính nghiệp vụ, chuyên môn khác nhau. Điều này dẫn đến thực tế là cùng nghiên cứu, quán triệt một nội dung Nghị quyết của Đảng nhưng yêu cầu vận dụng vào lãnh đạo ở mỗi cơ quan, đoàn thể có mức độ không giống nhau. Vì thế, việc tổ chức nghiên cứu, học tập các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng cần lưu ý bám sát theo từng lĩnh vực chuyên môn đặc trưng của mỗi cơ quan, đoàn thể; đảm bảo việc vận dụng Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng sát hợp với nhiệm vụ chính trị của mỗi đơn vị.
Thứ hai, nhà giáo đại đa số là những cán bộ, viên chức có trình độ nhất định về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị. Đội ngũ này có khả năng tự nghiên cứu và vận dụng những kiến thức nghiên cứu vào thực tiễn công tác dạy và học. Vì thế, việc tổ chức nghiên cứu, học tập các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng cần lưu ý đến đặc điểm của người học. Báo cáo viên cần phát huy tính tích cực của nhà giáo trong nghiên cứu và quán triệt các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng. 
- Cung cấp đầy đủ tài liệu và định hướng các vấn đề, chủ đề trọng tâm cần nghiên cứu cho giáo viên trước khi tổ chức tập trung
- Trong đợt, lớp học dành nhiều thời gian cho học viên thảo luận, thống nhất các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết. Qua đó, giải đáp, giải thích rõ các vấn đề người học còn băn khoăn, vướng mắc. Tập trung thảo luận, liên hệ, minh họa các vấn đề nghiên cứu với thực tiễn kinh tế - xã hội tại địa phương, tại đơn vị.
- Trong quá trình trình bày, báo cáo viên cần liên hệ thực tế sinh động, nhất là gắn với tình hình thực tế ở đơn vị, địa phương mình, để chứng minh cái được và chưa được trong thực hiện Nghị quyết; biết khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin để đa dạng hóa, phong phú nguồn tư liệu phục vụ nghiên cứu, học tập Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng (ví dụ : từ các website của Đảng, của ngành, đơn vị; khai thác phim ảnh, tư liệu,...); điều này sẽ làm cho buổi báo cáo thêm sinh động; học viên dễ tiếp thu, không cảm thấy “buồn ngủ”
-Báo cáo viên cần nhấn mạnh, xoáy sâu vào trọng tâm của vấn đề cần nghiên cứu.
          Thứ ba, việc tổ chức nghiên cứu, học tập Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng nên chia nhiều đợt. Điều này sẽ thuận lợi cho nhà giáo tham dự nghiên cứu sâu và vận dụng Nghị quyết theo lĩnh vực chuyên môn của mình, đồng thời nếu vắng đợt này, sẽ được học bổ sung vào đợt khác. Bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý cùng học chung với giáo viên sẽ có tác dụng lớn trong việc quản lý theo dõi lớp học. Trong lớp học, nên bố trí đủ chỗ ngồi theo từng trường để lãnh đạo trường dễ quản lý tình hình học tập; thái độ học tập của giáo viên đơn vị mình.
           3.Đối với bản thân nhà giáo 
Thứ nhất, có kế hoạch tự học, tự nghiên cứu về các chủ trương, Nghị quyết của Đảng  theo tinh thần  cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, định kỳ báo cáo cho lãnh đạo, cấp uỷ nhà trường biết kết quả.
Thứ hai, tự kiểm điểm lại bản thân về tinh thần và thái độ khi dự học các chủ trương, Nghị quyết của Đảng khi được Cấp uỷ địa phương triệu tập trước tập thể chi bộ, tập thể tổ chuyên môn, tổ Công đoàn… để từ đó nâng cao ý thức của mình trong  việc học tập.
Thứ ba, xây dựng chương trình hành động của bản thân (thông qua viết thu hoạch cá nhân) để cụ thể hóa tinh thần, nội dung của Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, đồng thời sát hợp với nhiệm vụ chính trị của đơn vị và yêu cầu thực tiễn của cá nhân. Tránh tình trạng chương trình hành động của cấp dưới trùng lắp cấp trên, của đơn vị A cũng tương tự như của đơn vị B,...
Trên đây là một số ý kiến đề xuất về đổi mới cách thức tổ chức việc nghiên cứu, học tập các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng trong các tổ chức cơ sở Đảng cơ quan, đoàn thể tỉnh. Xin được nêu lên trong buổi tọa đàm và mong được các đồng chí tiếp tục thảo luận, đóng góp ý kiến./.


[1] Luật số 38/2005/QH11 ngày 14/6/2005 của Quốc hội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét