Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

Tham luận về Công tác phối hợp với tổ chức Đoàn trong việc định hướng lý tưởng, giáo dục đạo đức, nhân cách sống trong học sinh



Công tác phối hợp với tổ chức Đoàn trong việc định hướng lý tưởng, giáo dục đạo đức, nhân cách sống trong học sinh
TS Nguyễn Văn Huấn
Phó Giám đốc Sở GDĐT


Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 50/2007/QĐ-BGDĐT ngày 29 tháng 8 năm 2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo định ra các nội dung cơ bản sau đây về về công tác giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên:
Nội dung công tác giáo dục phẩm chất chính trị
a. Giáo dục lòng yêu nước, lý tưởng cộng sản, niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng, bản lĩnh chính trị.
b. Giáo dục ý thức chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
c. Giáo dục thái độ tích cực tham gia các hoạt động chính trị, xã hội, phân biệt, đánh giá các sự kiện chính trị, xã hội, nhận ra và phê phán những âm mưu, thủ đoạn chính trị của các thế lực thù địch.
Nội dung công tác giáo dục đạo đức
a. Giáo dục lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, biết trân trọng các giá trị đạo đức của dân tộc, xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân, tư cách, tác phong đúng đắn của người công dân.
b. Giáo dục các chuẩn mực đạo đức trong các quan hệ xã hội, phê phán những hành vi không phù hợp với các chuẩn mực đạo đức.
c. Giáo dục hành vi đạo đức, đạo đức nghề nghiệp, tác phong công nghiệp.
Nội dung công tác giáo dục lối sống
a. Giáo dục nhận thức, hành vi, thói quen của lối sống văn minh, tiến bộ, phù hợp với bản sắc dân tộc Việt Nam.
b. Giáo dục trách nhiệm của cá nhân trước tập thể và cộng đồng, biết ủng hộ, khuyến khích những biểu hiện của lối sống văn minh, tiến bộ, phù hợp với bản sắc dân tộc, biết phê phán những biểu hiện của lối sống lạc hậu, ích kỷ.
Việc định hướng lý tưởng, giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách sống cho học sinh, sinh viên bao gồm tổng hợp của nhiều yếu tố: Giáo dục từ nhà trường, giáo dục từ gia đình và giáo dục từ xã hội.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng các tổ chức, đoàn thể khác trong nhà trường đóng vai trò và trách nhiệm quan trọng trong việc giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, pháp luật, kỹ năng cho học sinh, sinh viên.
Trong thời gian qua, ngành giáo dục đã luôn có sự phối hợp, tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan, đoàn thể cho công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên..
Ở cấp Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” giai đoạn 2008 -2013; triển khai thực hiện tốt Nghị quyết liên tịch giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về tăng cường công tác giáo dục toàn diện học sinh, sinh viên và xây dựng tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong nhà trường giai đoạn 2008 – 2012.
Ở tỉnh Bến Tre, hàng năm Sở Giáo dục và Đào tạo và Tỉnh Đoàn cũng như Phòng Giáo dục và Đào tạo và các Huyện, Thành Đoàn đều có các kế hoạch phối hợp công tác, trong đó luôn quan tâm nội dung về định hướng lý tưởng và giáo dục đạo đức, lối sống, hình thành nhân cách sống cho học sinh trong các trường học.
Ngành giáo dục tỉnh Bến Tre hiện nay có số học sinh trong độ tuổi Đoàn là 39.574 học sinh, số Đoàn viên giáo viên là 2.130 người.
Trong thời gian qua, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đoàn viên thanh niên trong nhà trường triển khai với nhiều hình thức phong phú như:
- Tuyên truyền, giáo dục về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền phổ biến Luật Giáo dục, Luật Thanh niên và các quy định của ngành giáo dục và Đoàn Thanh niên.
- Đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ý thức pháp luật, ý thức công dân qua các hoạt động như: Tổ chức các hoạt động về nguồn, nói chuyện truyền thống, viếng nghĩa trang liệt sĩ, thắp nến tri ân, các đợt sinh hoạt chính trị “Tiếp lửa truyền thống - mãi mãi tuổi 20”, chăm sóc di tích lịch sử, văn hóa, nghĩa trang liệt sĩ... Đặc biệt, trong những năm gần đây, phong trào thanh niên tình nguyện, chương trình Học kỳ quân đội, Học làm người có ích,... được chú trọng tổ chức, góp phần giúp đoàn viên học sinh định hướng tư tưởng, hình thành được ý chí, hoài bão, biết phấn đấu vươn lên trong mọi hoàn cảnh, trở thành con ngoan trò giỏi, hữu ích cho xã hội, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, lòng yêu nước, khơi dậy trong thanh thiếu niên lòng tự hào dân tộc, xác định trách nhiệm và vai trò xung kích của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
- Tổ chức, hướng dẫn, vận động, thu hút học sinh tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, học tập, nghiên cứu khoa học, giáo dục kĩ năng sống, phòng chống tệ nạn xã hội, bạo lực trong học sinh thông qua các hoạt động như: Liên hoan Tiếng ca học đường-Vũ điệu tôi yêu, Chương trình Games show Khi tôi 18, Games show Học mà vui-vui mà học, Hội thi tin học trẻ các cấp, Hội thi sáng tạo khoa học-công nghệ, các hoạt động kỷ niệm ngày thành lập Đoàn-Đội, các ngày lễ lớn và các hoạt động nhân dịp Festival dừa lần III năm 2012.v.v... tạo nên một môi trường giáo dục lành mạnh, bổ ích, giúp học sinh tránh xa cái xấu.
          Tuy nhiên, thực tế công tác Đoàn vẫn còn những hạn chế. Đó là:
          - Các hoạt động Đoàn trư­ờng học lâu nay được thực hiện chủ yếu theo các chủ đề, chủ điểm với chương trình, kế hoạch thống nhất từ Tỉnh Đoàn đến các Huyện, Thành Đoàn. Điều này dễ làm cho một số cán bộ Đoàn trư­ờng học máy móc, thu động khi xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động của từng đơn vị, nhất là những cán bộ Đoàn còn hạn chế về kỹ năng và kinh nghiệm. Bởi thế, nhiều hoạt động còn mang nặng tính mùa vụ, phong trào, dẫn đến đoàn viên học sinh chưa tham gia một cách chủ động, tự giác.
          - Các trư­ờng học hiện nay, hầu hết tập trung thời gian cho việc dạy học; các hoạt động Đoàn-Đội còn tập trung chủ yếu cho việc tập d­ượt nghi thức, tổ chức hoạt động theo khuôn mẫu máy móc làm học sinh cảm thấy nặng nề, căng thẳng. Các hoạt động vui chơi, văn nghệ, thể thao chư­a đư­ợc quan tâm đúng mức, mặc dù đây là hoạt động đư­ợc thanh thiếu niên yêu thích nhất.
- Nhiều gia đình còn thiếu sự chú trọng giáo dục và quản lý con cái, ít hoặc không quan tâm đến việc học tập và rèn luyện của con em, gây nhiều khó khăn cho ngành giáo dục và tổ chức Đoàn trong việc định hướng lý tưởng và giáo dục lý tưởng, đạo đức, nhân cách sống cho thế hệ trẻ.
Phần lớn học sinh, sinh viên hiện nay đều sống có lý tưởng, có ước mơ, hoài bão, sống có văn hóa, trách nhiệm, nghĩa tình, biết thương yêu và sẻ chia. Nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn vượt khó vươn lên để học tập tốt, rèn luyện tốt, trở thành gương sáng trong học tập. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một bộ phận học sinh, sinh viên có lối sống, việc làm đã và đang gây nên những quan tâm, lo lắng cho xã hội, thiếu ý chí trước những khó khăn thử thách, chưa quan tâm nhiều đến các vấn đề xã hội, ít hiểu biết pháp luật và kỹ năng sống, kỹ năng thích ứng với tình huống nên có những hành động nông nổi, đi ngược lại truyền thống dân tộc, vi phạm pháp luật ...
Để làm tốt công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống đối với học sinh, sinh viên trong giai đoạn hiện nay, cần tiếp tục quan tâm và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tập trung “bồi dưỡng các giá trị văn hóa trong thanh niên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là lý tưởng sống, năng lực, trí tuệ, đạo dức và bản lĩnh văn hóa con người Việt Nam” như Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng đề ra. Trước yêu cầu đó, việc phối hợp giữa ngành giáo dục và hệ thống Đoàn cần chú trọng một số yêu cầu sau:
          - Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đoàn viên, thanh thiếu niên học sinh thông qua các hoạt động đa dạng, thiết thực, liên tục đổi mới về phương thức, phù hợp với tâm lý học sinh.
          - Đoàn Thanh niên cần phối hợp tốt với nhà trường qua giáo viên bộ môn, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm trong việc nắm bắt tâm lý, hoàn cảnh học sinh, từ đó có những hoạt động phối hợp kịp thời với nhà trường để giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống học sinh một cách có hiệu quả
- Cần phát huy tốt vai trò sáng tạo của đồng chí Bí thư­ Đoàn trường trong việc cụ thể hóa kế hoạch bằng việc tổ chức các hoạt động sao cho phù hợp với điều kiện địa phư­ơng, đơn vị và đặc điểm tâm lí lứa tuổi, mới có thể cuốn hút học sinh tham gia vào các hoạt động một cách tự giác, say sư­a.
           Đoàn Thanh niên phối hợp tốt với ngành giáo dục trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục đạo đức, lối sống và định hướng lý tưởng cho học sinh là góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện của nhà trường. Qua đó, góp phần khẳng định vai trò của tổ chức Đoàn trong nhà trường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét