Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Nhà giáo trước yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông

GD&TĐ - TS Nguyễn Văn Huấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre cho biết, Sở GD&ĐT Bến Tre vừa tổ chức một hội thảo khá công phu với chủ đề: Nhà giáo Bến Tre trước yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.
Hội thảo đã đưa ra nhiều giải pháp cho đổi mới giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh. Các giải pháp được đưa ra bao gồm:
Nâng cao nhận thức; tập trung đầu tư cho đội ngũ; đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, phương thức GD&ĐT; đổi mới căn bản hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá; điều chỉnh quy hoạch mạng lưới GD&ĐT; đổi mới hệ thống giáo dục; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục.
Tập trung đầu tư cho đội ngũ
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Do vậy để triển khai thành công việc đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục và đào tạo thì cần phải chọn giải pháp đột phá trước tiên là tập trung đầu tư cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Để thực hiện được yêu cầu trên, ngành giáo dục và đào tạo cần phải thực hiện các biện pháp rà soát, đánh giá năng lực thực tiễn, cơ cấu đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành giáo dục và đào tạo để có kế hoạch bố trí, sắp xếp phù hợp và đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Nhiều báo cáo tham luận cũng lưu ý là cần phải chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, lối sống, tác phong của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục;
Cần phải bảo đảm chuẩn, chất của cán bộ quản lý giáo dục; bảo đảm trình độ chuyên môn, chuẩn nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên thì mới có thể đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục và đào tạo.
Bản thân nhà giáo cũng phải tự đổi mới, tích cực tự học, tự nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thì mới đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của đổi mới giáo dục trong thời gian tới.
Nhiều tham luận đề xuất cần phải có chế độ chính sách, đặc biệt là chính sách về lương, thưởng, phát triển chuyên môn, đánh giá, đãi ngộ phù hợp để tạo động lực và hiệu quả làm việc của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Do vậy, ngành giáo dục và đào tạo cần tiếp tục thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo; kịp thời kiến nghị bổ sung, điều chỉnh những chế độ, chính sách còn bất hợp lý hiện nay.
Đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, phương thức GD&ĐT
Theo TS Nguyễn Văn Huấn, các báo cáo tham luận nhấn mạnh cần phải chủ động, tích cực thực hiện tốt các hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về đổi mới chương trình, sách giáo khoa nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học.
Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, giá trị sống, kỹ năng sống, ý thức pháp luật, ý thức công dân, lịch sử, địa lý địa phương, giáo dục thể chất và hướng nghiệp để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, hình thành phẩm chất cho học sinh.
Trong giáo dục, tập trung vào những giá trị văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Cần phải đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học bằng cách áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, tăng cường các hoạt động xã hội, nghiên cứu khoa học và vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống để phát triển năng lực cá nhân của người học.
Đổi mới căn bản hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá
Nhiều báo cáo tham luận lưu ý ngành giáo dục và đào tạo kịp thời tham mưu thực hiện khi Bộ GD&ĐT có chủ trương đổi mới phương thức thi công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Triển khai đổi mới phương pháp kiểm tra, thi, đánh giá người học ngay trong quá trình và kết quả từng giai đoạn giáo dục, đào tạo nhằm kịp thời điều chỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học ở các cấp học và trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học.
Cần phải tổ chức các kỳ thi, kiểm tra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, đảm bảo khách quan, trung thực, phản ánh đúng chất lượng và tác động tích cực đến việc dạy - học; khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục.
Điều chỉnh quy hoạch mạng lưới GD&ĐT
Công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới cũng được các đại biểu quan tâm.
Cần phải tập trung công tác quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp cơ sở giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và phù hợp nhu cầu đào tạo nhân lực của địa phương;
Tăng cường đầu tư, xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, dạy học theo chương trình, sách giáo khoa mới;
Tăng cường thí nghiệm, thực hành, tập huấn giáo viên sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học hiện đại; chú trọng đầu tư xây dựng các công trình trường học vùng sâu, vùng xa.
Hải Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét